Chuyển tới nội dung
Home » Chương Verañja Phần Pārājika Tạng Luật

Chương Verañja Phần Pārājika Tạng Luật

Chương Verañja Phần Pārājika Tạng Luật

Xin kính lễ Đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác!

Tạng Luật | Phần Pārājika

Chương Verañja

Lúc bấy giờ, Đức Phật Thế Tôn ngự tại Verañja, dưới gốc cây Nimba của Naḷeru, cùng với đại chúng Tỳ khưu gồm 500 vị. Bà-la-môn Verañja nghe rằng: “Này các vị, Sa-môn Gotama, con trai dòng họ Thích-ca, xuất gia từ dòng họ Thích-ca, đang ngự tại Verañja, dưới gốc cây Nimba của Naḷeru, cùng với đại chúng Tỳ khưu gồm 500 vị. Tiếng đồn tốt đẹp về Ngài Gotama ấy được lan truyền như vầy: ‘Đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài tuyên thuyết về thế giới này cùng với chư thiên, Ma vương, Phạm thiên, các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người sau khi đã tự mình chứng ngộ bằng thắng trí. Ngài thuyết giảng Giáo Pháp toàn hảo ở phần đầu, toàn hảo ở phần giữa, và toàn hảo ở phần cuối, có ý nghĩa, có văn tự. Ngài giảng giải về Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Thật tốt lành thay được diện kiến một vị A-la-hán như vậy!'”

Sau đó, Bà-la-môn Verañja đã đi đến gặp Đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với Đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện đã ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Verañja đã nói với Đức Thế Tôn điều này: “Thưa Ngài Gotama, tôi có nghe rằng: ‘Sa-môn Gotama không đảnh lễ, không đứng dậy, hoặc không mời chỗ ngồi các vị Bà-la-môn già cả, trưởng lão, cao niên, đã đến giai đoạn cuối cuộc đời, có tuổi thọ cao’. Thưa Ngài Gotama, sự việc ấy quả đúng như vậy; bởi vì Ngài Gotama không đảnh lễ, không đứng dậy, hoặc không mời chỗ ngồi các vị Bà-la-môn già cả, trưởng lão, cao niên, đã đến giai đoạn cuối cuộc đời, có tuổi thọ cao. Thưa Ngài Gotama, việc ấy quả là không đúng đắn.”

“Này Bà-la-môn, Ta không nhìn thấy trong thế gian tính luôn cõi chư Thiên, Ma Vương, Phạm Thiên, trong chúng Sa-môn và Bà-la-môn, chư thiên và loài người ai là người Ta có thể đảnh lễ, hoặc đứng dậy, hoặc mời chỗ ngồi. Này Bà-la-môn, bởi vì người nào mà Như Lai có thể đảnh lễ, hoặc đứng dậy, hoặc mời chỗ ngồi thì đầu của người ấy có thể bị bể ra.”

“Ngài Gotama vô vị giác.” – “Này Bà-la-môn, quả đúng là có cách nói mà dùng cách nói ấy một người nói đúng đắn có thể nói về Ta rằng: ‘Sa-môn Gotama vô vị giác.’ Này Bà-la-môn, các vị giác đối với sắc, thinh, hương, vị, xúc, các điều ấy đã được Như Lai dứt bỏ, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho giống như gốc cây thốt-nốt đã bị cụt ngọn, không còn hiện hữu, không còn điều kiện sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đây chính là cách nói mà dùng cách nói ấy một người nói đúng đắn có thể nói về Ta rằng: ‘Sa-môn Gotama vô vị giác,’ nhưng ngươi đã không nói với ý nghĩa này.”

“Ngài Gotama không hưởng thụ.” – “Này Bà-la-môn, quả đúng là có cách nói mà dùng cách nói ấy một người nói đúng đắn có thể nói về Ta rằng: ‘Sa-môn Gotama không hưởng thụ.’ Này Bà-la-môn, các sự hưởng thụ đối với sắc, thinh, hương, vị, xúc, các điều ấy đã được Như Lai dứt bỏ, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho giống như gốc cây thốt-nốt đã bị cụt ngọn, không còn hiện hữu, không còn điều kiện sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đây chính là cách nói mà dùng cách nói ấy một người nói đúng đắn có thể nói về Ta rằng: ‘Sa-môn Gotama không hưởng thụ,’ nhưng ngươi đã không nói với ý nghĩa này.”

“Ngài Gotama chủ trương thuyết không hành động.” – “Này Bà-la-môn, quả đúng là có cách nói mà dùng cách nói ấy một người nói đúng đắn có thể nói về Ta rằng: ‘Sa-môn Gotama chủ trương thuyết không hành động.’ Này Bà-la-môn, Ta tuyên bố về sự không hành động đối với thân làm ác, khẩu nói ác, ý nghĩ ác. Ta tuyên bố về sự không hành động đối với các pháp ác bất thiện có nhiều hình thức. Này Bà-la-môn, đây chính là cách nói mà dùng cách nói ấy một người nói đúng đắn có thể nói về Ta rằng: ‘Sa-môn Gotama chủ trương thuyết không hành động,’ nhưng ngươi đã không nói với ý nghĩa này.”

“Ngài Gotama chủ trương thuyết đoạn diệt.” – “Này Bà-la-môn, quả đúng là có cách nói mà dùng cách nói ấy một người nói đúng đắn có thể nói về Ta rằng: ‘Sa-môn Gotama chủ trương thuyết đoạn diệt.’ Này Bà-la-môn, Ta tuyên bố về sự đoạn diệt tham, sân, si. Ta tuyên bố về sự đoạn diệt các pháp ác bất thiện có nhiều hình thức. Này Bà-la-môn, đây chính là cách nói mà dùng cách nói ấy một người nói đúng đắn có thể nói về Ta rằng: ‘Sa-môn Gotama chủ trương thuyết đoạn diệt,’ nhưng ngươi đã không nói với ý nghĩa này.”

“Ngài Gotama ghê tởm.” – “Này Bà-la-môn, quả đúng là có cách nói mà dùng cách nói ấy một người nói đúng đắn có thể nói về Ta rằng: ‘Sa-môn Gotama ghê tởm.’ Này Bà-la-môn, Ta ghê tởm đối với thân làm ác, khẩu nói ác, ý nghĩ ác. Ta ghê tởm việc thành tựu các pháp ác bất thiện có nhiều hình thức. Này Bà-la-môn, đây chính là cách nói mà dùng cách nói ấy một người nói đúng đắn có thể nói về Ta rằng: ‘Sa-môn Gotama ghê tởm,’ nhưng ngươi đã không nói với ý nghĩa này.”

“Ngài Gotama chủ trương sự hủy hoại.” – “Này Bà-la-môn, quả đúng là có cách nói mà dùng cách nói ấy một người nói đúng đắn có thể nói về Ta rằng: ‘Sa-môn Gotama chủ trương sự hủy hoại.’ Này Bà-la-môn, Ta thuyết giảng Giáo Pháp về sự hủy hoại tham, sân, si. Ta thuyết giảng Giáo Pháp về sự hủy hoại các pháp ác bất thiện có nhiều hình thức. Này Bà-la-môn, đây chính là cách nói mà dùng cách nói ấy một người nói đúng đắn có thể nói về Ta rằng: ‘Sa-môn Gotama chủ trương sự hủy hoại,’ nhưng ngươi đã không nói với ý nghĩa này.”

“Ngài Gotama là người khổ hạnh.” – “Này Bà-la-môn, quả đúng là có cách nói mà dùng cách nói ấy một người nói đúng đắn có thể nói về Ta rằng: ‘Sa-môn Gotama là người khổ hạnh.’ Này Bà-la-môn, Ta nói rằng các pháp ác bất thiện đáng bị thiêu đốt là thân làm ác, khẩu nói ác, ý nghĩ ác. Này Bà-la-môn, đối với người nào mà các pháp ác bất thiện đáng bị thiêu đốt đã được dứt bỏ, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho giống như gốc cây thốt-nốt đã bị cụt ngọn, không còn hiện hữu, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai, Ta gọi người ấy là người khổ hạnh. Này Bà-la-môn, đối với Như Lai, các pháp ác bất thiện đáng bị thiêu đốt đã được dứt bỏ, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho giống như gốc cây thốt-nốt đã bị cụt ngọn, không còn hiện hữu, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đây chính là cách nói mà dùng cách nói ấy một người nói đúng đắn có thể nói về Ta rằng: ‘Sa-môn Gotama là người khổ hạnh,’ nhưng ngươi đã không nói với ý nghĩa này.”

“Ngài Gotama là người không thể sanh lại.” – “Này Bà-la-môn, quả đúng là có cách nói mà dùng cách nói ấy một người nói đúng đắn có thể nói về Ta rằng: ‘Sa-môn Gotama là người không thể sanh lại.’ Này Bà-la-môn, đối với người nào mà sự tái sanh trong bào thai và sự hiện hữu lại của đời sống mới trong tương lai đã được dứt bỏ, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho giống như gốc cây thốt-nốt đã bị cụt ngọn, không còn hiện hữu, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai, Ta gọi người ấy là người không thể sanh lại. Này Bà-la-môn, đối với Như Lai, sự tái sanh trong bào thai và sự hiện hữu lại của đời sống mới trong tương lai đã được dứt bỏ, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho giống như gốc cây thốt-nốt đã bị cụt ngọn, không còn hiện hữu, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đây chính là cách nói mà dùng cách nói ấy một người nói đúng đắn có thể nói về Ta rằng: ‘Sa-môn Gotama là người không thể sanh lại,’ nhưng ngươi đã không nói với ý nghĩa này.”

“Này Bà-la-môn, ví như có con gà mái có tám, hoặc mười, hoặc mười hai trứng, và những trứng ấy đã được con gà mái ấp nằm

đúng cách, ủ nằm đúng cách, và ấp nở đúng cách. Con gà con nào là con đầu tiên có thể dùng móng chân hoặc mỏ phá vỡ vỏ trứng và chui ra an toàn, con ấy nên được gọi là gì: “Con trưởng” hay “Con út”?” – “Thưa Ngài Gotama, con ấy nên được gọi là con trưởng. Bởi vì nó là con đầu tiên trong số chúng.”

“Cũng vậy, này Bà-la-môn, đối với nhân loại bị bao phủ trong vô minh, bị bao bọc trong vỏ trứng vô minh, chỉ một mình Ta đã đập vỡ vỏ trứng vô minh và chứng đắc quả vị Chánh Đẳng Giác vô thượng trên thế gian. Như vậy, này Bà-la-môn, Ta là bậc trưởng thượng, tối thắng của thế gian.

Này Bà-la-môn, sự tinh tấn của Ta đã được khởi sự, không có thối chuyển, niệm được thiết lập, không có thất niệm, thân được khinh an, không có căng thẳng, tâm được định tĩnh, chuyên nhất. Này Bà-la-môn, Ta ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, có tầm có tứ, có hỷ lạc do ly dục sanh. Do tầm tứ lắng xuống, Ta chứng và trú Thiền thứ hai, nội tĩnh nhất tâm, không tầm không tứ, có hỷ lạc do định sanh. Do ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, Ta chứng và trú Thiền thứ ba. Do đoạn lạc, đoạn khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, Ta chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ rằng: “Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, Ta được sanh ra ở đây”. Như vậy, Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này Bà-la-môn, đó là minh thứ nhất Ta đã chứng được trong đêm canh một, vô minh diệt, minh sanh, bóng tối diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Này Bà-la-môn, đây là sự đản sanh đầu tiên của Ta, như con gà con thoát ra khỏi vỏ trứng.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, Ta thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, về lời và về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, về lời và về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, Ta thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Này Bà-la-môn, đó là minh thứ hai Ta đã chứng được trong đêm canh giữa, vô minh diệt, minh sanh, bóng tối diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Này Bà-la-môn, đây là sự đản sanh thứ hai của Ta, như con gà con thoát ra khỏi vỏ trứng.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Ta biết như thật: “Đây là khổ”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Đây là sự diệt khổ”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến diệt khổ”, biết như thật: “Đây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”. Nhờ biết như vậy, thấy như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Khi đã giải thoát, trí khởi lên: “Đã giải thoát”. Ta biết: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Này Bà-la-môn, đó là minh thứ ba Ta đã chứng được trong đêm canh cuối, vô minh diệt, minh sanh, bóng tối diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Này Bà-la-môn, đây là sự đản sanh thứ ba của Ta, như con gà con thoát ra khỏi vỏ trứng.

Khi được nói như vậy, Bà-la-môn Verañja bạch Thế Tôn: “Tôn giả Gotama là bậc tối thắng! Tôn giả Gotama là bậc tối thượng! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng. Xin Tôn giả Gotama nhận lời mời của con an cư mùa mưa tại Verañja với chúng Tỳ-kheo”. Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Sau khi biết Đức Thế Tôn đã nhận lời, Bà-la-môn Verañja từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Đức Thế Tôn, đi vòng quanh Ngài rồi ra đi.

Lúc bấy giờ, Verañja đang bị nạn đói, mất mùa, khó kiếm thức ăn, có những phiếu thực phẩm được phân phát, khó sống bằng cách đi nhặt lượm. Vào lúc ấy, có khoảng 500 con ngựa từ phương Bắc đến Verañja để nghỉ mùa mưa. Tại các chuồng ngựa, những người nài ngựa đã phân phát từng ôm cỏ lúa cho các Tỳ-kheo. Vào buổi sáng, các Tỳ-kheo đắp y, mang bát vào Verañja để khất thực. Khi không nhận được đồ khất thực, các vị đi đến các chuồng ngựa, mang về từng ôm cỏ lúa về tu viện, giã trong cối rồi thọ dụng. Tôn giả Ānanda giã cỏ lúa trên phiến đá rồi dâng lên Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn thọ dụng.

Đức Thế Tôn đã nghe tiếng giã cỏ lúa trong cối. Các đức Như Lai dù đã biết vẫn hỏi, dù đã biết các Ngài vẫn không hỏi; các Ngài biết thời điểm để hỏi, biết thời điểm để không hỏi. Các đức Như Lai hỏi vì lợi ích, không hỏi vì không lợi ích. Các đức Như Lai đoạn tuyệt cái không đem lại lợi ích. Chư Phật Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo vì hai lý do: “Chúng ta sẽ thuyết Pháp hoặc chúng ta sẽ ban hành điều học cho các đệ tử”. Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Ānanda: “Này Ānanda, tiếng giã cỏ lúa trong cối là gì vậy?” Tôn giả Ānanda đã trình bày sự việc ấy lên Đức Thế Tôn. “Lành thay, lành thay, Ānanda! Các người, những bậc Thiện nhân, đã chiến thắng. Này Ānanda, đời sau sẽ chê bai cơm gạo và thịt”.

Sau đó, Đại đức Mahāmoggallāna đi đến gặp Đức Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Đại đức Mahāmoggallāna bạch Thế Tôn rằng: “Bạch Thế Tôn, hiện nay Verañja đang bị nạn đói, mất mùa, khó kiếm thức ăn, có những phiếu thực phẩm được phân phát, khó sống bằng cách đi nhặt lượm. Bạch Thế Tôn, phần đất bên dưới của đại địa cầu này dồi dào, có vị ngọt như mật ong nguyên chất, không đen, có vị ngon như thế. Bạch Thế Tôn, tốt đẹp thay nếu con có thể lật ngược mặt đất. Các Tỳ kheo sẽ được ăn phần tinh túy của đất.” – “Này Moggallāna, còn những chúng sanh nương vào đất thì ngươi sẽ làm gì với họ?” – “Bạch Thế Tôn, con sẽ hóa hiện một bàn tay to lớn giống như đại địa cầu. Con sẽ dời những chúng sanh nương vào đất sang đó. Con sẽ lật ngược mặt đất bằng bàn tay kia.” – “Thôi đi, Moggallāna! Chớ có ý định lật ngược mặt đất. Các chúng sanh sẽ bị xáo trộn đảo lộn.” – “Bạch Thế Tôn, vậy thì tốt đẹp thay nếu toàn thể chúng Tỳ kheo có thể đi đến Uttarakuru để khất thực.” – “Thôi đi, Moggallāna! Chớ có ý định cho toàn thể chúng Tỳ kheo đi đến Uttarakuru để khất thực.”

Rồi Đại đức Sāriputta trong lúc thiền tịnh đã khởi lên ý nghĩ như vầy: “Đời sống Phạm hạnh của những vị Phật Thế Tôn nào đã không được tồn tại lâu dài? Đời sống Phạm hạnh của những vị Phật Thế Tôn nào đã được tồn tại lâu dài?” Sau đó vào buổi chiều, Đại đức Sāriputta xuất khỏi thiền tịnh đi đến gặp Đức Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Đại đức Sāriputta bạch Thế Tôn rằng: “Bạch Thế Tôn, trong lúc con thiền tịnh đã khởi lên ý nghĩ như vầy: ‘Đời sống Phạm hạnh của những vị Phật Thế Tôn nào đã không được tồn tại lâu dài? Đời sống Phạm hạnh của những vị Phật Thế Tôn nào đã được tồn tại lâu dài?’ Bạch Thế Tôn, đời sống Phạm hạnh của những vị Phật Thế Tôn nào đã không được tồn tại lâu dài? Đời sống Phạm hạnh của những vị Phật Thế Tôn nào đã được tồn tại lâu dài?”

“Này Sāriputta, đời sống Phạm hạnh của Đức Phật Vipassī, của Đức Phật Sikhī, và của Đức Phật Vessabhū đã không được tồn tại lâu dài. Này Sāriputta, đời sống Phạm hạnh của Đức Phật Kakusandha, của Đức Phật Koṇāgamana, và của Đức Phật Kassapa đã được tồn tại lâu dài.”

“Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì mà đời sống Phạm hạnh của Đức Phật Vipassī, của Đức Phật Sikhī, và của Đức Phật Vessabhū đã không được tồn tại lâu dài?”

“Này Sāriputta, Đức Phật Vipassī, Đức Phật Sikhī, và Đức Phật Vessabhū đã không ra sức thuyết giảng Giáo Pháp một cách chi tiết cho các đệ tử. Các Ngài đã có ít Kinh, ít Kệ ngôn, ít Giải thích, ít Kệ, ít Cảm hứng ngữ, ít Như thị ngữ, ít Bổn sanh, ít Vị tằng hữu pháp, ít Phương quảng. Các Ngài đã không quy định điều học cho các đệ tử. Giới bổn Pātimokkha đã không được tuyên đọc. Sau khi các vị Phật Thế Tôn ấy viên tịch, sau khi các đệ tử của các Ngài đã được giác ngộ theo các Ngài viên tịch, các vị đệ tử về sau thuộc nhiều tên, nhiều dòng họ, nhiều giai cấp, đã xuất gia từ nhiều gia đình, đã làm cho Phạm hạnh ấy biến mất nhanh chóng. Này Sāriputta, cũng giống như nhiều loại bông hoa rải rác trên tấm ván nếu không được kết lại bằng sợi chỉ thì bị gió thổi phân tán, cuốn đi, hoại diệt. Điều ấy có nguyên nhân là gì? Bởi vì chúng không được kết lại bằng sợi chỉ. Cũng vậy, này Sāriputta, sau khi các vị Phật Thế Tôn ấy viên tịch, sau khi các đệ tử của các Ngài đã được giác ngộ theo các Ngài viên tịch, các vị đệ tử về sau thuộc nhiều tên, nhiều dòng họ, nhiều giai cấp, đã xuất gia từ nhiều gia đình, đã làm cho Phạm hạnh ấy biến mất nhanh chóng.

Và các vị Thế Tôn ấy đã không mệt mỏi khi đọc tâm để giáo giới các đệ tử. Này Sāriputta, vào thời quá khứ, Đức Phật Vessabhū, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ở tại khu rừng đáng sợ hãi nọ đã đọc tâm để giáo giới giảng dạy một ngàn vị Tỳ kheo rằng: ‘Hãy suy nghĩ như vầy, chớ suy nghĩ như vầy; hãy tác ý như vầy, chớ tác ý như vầy; hãy từ bỏ điều này, hãy chứng đạt và an trú điều này.’ Khi ấy, này Sāriputta, tâm của một ngàn vị Tỳ kheo ấy nhờ được Đức Phật Vessabhū, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác giáo giới như thế, giảng dạy như thế, đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Này Sāriputta, quả là điều đáng sợ hãi đối với khu rừng đáng sợ hãi ấy bởi vì nếu có người nào chưa xa lìa tham ái đi vào khu rừng ấy, phần lớn lông tóc của người ấy dựng đứng lên. Này Sāriputta, đây là nhân, đây là duyên khiến đời sống Phạm hạnh của Đức Phật Vipassī, của Đức Phật Sikhī, và của Đức Phật Vessabhū đã không được tồn tại lâu dài.”

“Bạch Thế Tôn, vậy do nhân gì, do duyên gì mà đời sống Phạm hạnh của Đức Phật Kakusandha, của Đức Phật Koṇāgamana, và của Đức Phật Kassapa đã được tồn tại lâu dài?”

“Này Sāriputta, Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Koṇāgamana, và Đức Phật Kassapa đã ra sức thuyết giảng Giáo Pháp một cách chi tiết cho các đệ tử. Các Ngài đã có nhiều Kinh, nhiều Kệ ngôn, nhiều Giải thích, nhiều Kệ, nhiều Cảm hứng ngữ, nhiều Như thị ngữ, nhiều Bổn sanh, nhiều Vị tằng hữu pháp, nhiều Phương quảng. Các Ngài đã quy định điều học cho các đệ tử. Giới bổn Pātimokkha đã được tuyên đọc. Sau khi các vị Phật Thế Tôn ấy viên tịch, sau khi các đệ tử của các Ngài đã được giác ngộ theo các Ngài viên tịch, các vị đệ tử về sau thuộc nhiều tên, nhiều dòng họ, nhiều giai cấp, đã xuất gia từ nhiều gia đình, đã duy trì Phạm hạnh ấy trong thời gian dài. Này Sāriputta, cũng giống như nhiều loại bông hoa rải rác trên tấm ván nếu được kết lại khéo léo bằng sợi chỉ thì không bị gió thổi phân tán, không bị cuốn đi, không bị hoại diệt. Điều ấy có nguyên nhân là gì? Bởi vì chúng được kết lại khéo léo bằng sợi chỉ. Cũng vậy, này Sāriputta, sau khi các vị Phật Thế Tôn ấy viên tịch, sau khi các đệ tử của các Ngài đã được giác ngộ theo các Ngài viên tịch, các vị đệ tử về sau thuộc nhiều tên, nhiều dòng họ, nhiều giai cấp, đã xuất gia từ nhiều gia đình, đã duy trì Phạm hạnh ấy trong thời gian dài. Này Sāriputta, đây là nhân, đây là duyên khiến đời sống Phạm hạnh của Đức Phật Kakusandha, của Đức Phật Koṇāgamana, và của Đức Phật Kassapa đã được tồn tại lâu dài.”

Khi ấy, Đại đức Sāriputta từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn và bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời điểm! Bạch đấng Thiện Thệ, nay đã đến thời điểm để Thế Tôn quy định điều học cho các đệ tử, để tuyên đọc giới bổn Pātimokkha, nhờ vậy đời sống Phạm hạnh này sẽ được tồn tại lâu dài.”

“Hãy chờ đợi, này Sāriputta! Hãy chờ đợi, này Sāriputta! Chính Như Lai sẽ biết thời điểm của việc ấy. Này Sāriputta, bậc Đạo Sư không quy định điều học cho các đệ tử, không tuyên đọc giới bổn Pātimokkha cho đến khi nào một số pháp đưa đến lậu hoặc chưa xuất hiện trong Tăng chúng. Và này Sāriputta, khi nào một số pháp đưa đến lậu hoặc xuất hiện trong Tăng chúng, khi ấy bậc Đạo Sư mới quy định điều học cho các đệ tử, tuyên đọc giới bổn Pātimokkha nhằm ngăn chặn các pháp đưa đến lậu hoặc ấy. Này Sāriputta, một số pháp đưa đến lậu hoặc chưa xuất hiện trong Tăng chúng cho đến khi nào Tăng chúng chưa đạt đến sự lớn mạnh về thời gian lâu dài. Và này Sāriputta, khi nào Tăng chúng đã đạt đến sự lớn mạnh về thời gian lâu dài, khi ấy một số pháp đưa đến lậu hoặc mới xuất hiện trong Tăng chúng, khi ấy bậc Đạo Sư mới quy định điều học cho các đệ tử, tuyên đọc giới bổn Pātimokkha nhằm ngăn chặn các pháp đưa đến lậu hoặc ấy. Này Sāriputta, một số pháp đưa đến lậu hoặc chưa xuất hiện trong Tăng chúng cho đến khi nào Tăng chúng chưa đạt đến sự lớn mạnh về số lượng. Và này Sāriputta, khi nào Tăng chúng đã đạt đến sự lớn mạnh về số lượng, khi ấy một số pháp đưa đến lậu hoặc mới xuất hiện trong Tăng chúng, khi ấy bậc Đạo Sư mới quy định điều học cho các đệ tử, tuyên đọc giới bổn Pātimokkha nhằm ngăn chặn các pháp đưa đến lậu hoặc ấy. Này Sāriputta, một số pháp đưa đến lậu hoặc chưa xuất hiện trong Tăng chúng cho đến khi nào Tăng chúng chưa đạt đến sự lớn mạnh về danh vọng. Và này Sāriputta, khi nào Tăng chúng đã đạt đến sự l ớn mạnh về danh vọng, khi ấy một số pháp đưa đến lậu hoặc mới xuất hiện trong Tăng chúng, khi ấy bậc Đạo Sư mới quy định điều học cho các đệ tử, tuyên đọc giới bổn Pātimokkha nhằm ngăn chặn các pháp đưa đến lậu hoặc ấy. Này Sāriputta, một số pháp đưa đến lậu hoặc chưa xuất hiện trong Tăng chúng cho đến khi nào Tăng chúng chưa đạt đến sự lớn mạnh về học vấn. Và này Sāriputta, khi nào Tăng chúng đã đạt đến sự lớn mạnh về học vấn, khi ấy một số pháp đưa đến lậu hoặc mới xuất hiện trong Tăng chúng, khi ấy bậc Đạo Sư mới quy định điều học cho các đệ tử, tuyên đọc giới bổn Pātimokkha nhằm ngăn chặn các pháp đưa đến lậu hoặc ấy. Này Sāriputta, Tăng chúng Tỳ kheo hiện nay không có sự rối loạn, không có sự suy đồi, đã loại trừ cặn bã, thuần tịnh, an trú vào cốt lõi. Này Sāriputta, trong số 500 Tỳ kheo này, vị Tỳ kheo thấp nhất cũng là bậc Nhập Lưu, không còn bị đọa vào đường dữ, quyết chắc hướng đến giác ngộ.”

Sau đó, Đức Thế Tôn bảo Đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, đây là thông lệ của chư Như Lai là không ra đi du hành trong quốc độ khi chưa từ biệt những người đã thỉnh mời an cư mùa mưa. Này Ānanda, chúng ta hãy đi từ biệt Bà-la-môn Verañja.” – “Thưa vâng, bạch Thế Tôn.” Đại đức Ānanda đáp lời Đức Thế Tôn. Khi ấy, Đức Thế Tôn đắp y, mang y bát, có Đại đức Ānanda làm thị giả đi đến tư gia của Bà-la-môn Verañja, sau khi đến ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Sau đó, Bà-la-môn Verañja đi đến gặp Đức Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi Bà-la-môn Verañja đã ngồi xuống một bên, Đức Thế Tôn đã nói điều này: “Này Bà-la-môn, chúng tôi đã được ông thỉnh mời và đã trải qua mùa an cư mưa. Giờ đây chúng tôi xin từ biệt ông. Chúng tôi muốn ra đi du hành trong xứ sở.” – “Đúng vậy, thưa Ngài Gotama, quý Ngài đã được tôi thỉnh mời và đã trải qua mùa an cư mưa. Tuy nhiên, vật thí chưa được dâng cúng. Điều ấy không phải là không có, cũng không phải là không muốn dâng cúng, mà là do hoàn cảnh khó khăn. Bởi vì công việc gia đình thì nhiều và phải làm. Xin Ngài Gotama cùng với hội chúng Tỳ kheo nhận lời thọ trai của tôi vào ngày mai.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, Đức Thế Tôn đã chỉ dạy, khích lệ, tạo phấn khởi, và tạo niềm hoan hỷ cho Bà-la-môn Verañja bằng bài Pháp thoại rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Sau đó, khi trải qua đêm ấy Bà-la-môn Verañja đã cho chuẩn bị sẵn sàng tại tư gia các thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm, rồi cho người thông báo thời giờ đến Đức Thế Tôn: “Thưa Ngài Gotama, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.”

Khi ấy vào buổi sáng, Đức Thế Tôn đắp y, mang y bát đi đến tư gia của Bà-la-môn Verañja, sau khi đến ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng Tỳ kheo. Khi ấy, Bà-la-môn Verañja đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng Tỳ kheo có đức Phật đứng đầu với các thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm. Đến khi Đức Thế Tôn đã thọ thực xong, có bàn tay đã rời bình bát, Bà-la-môn Verañja đã dâng lên Đức Thế Tôn ba y và đã dâng lên mỗi một vị Tỳ kheo một xấp vải đôi. Khi ấy, Đức Thế Tôn đã chỉ dạy, khích lệ, tạo phấn khởi, và tạo niềm hoan hỷ cho Bà-la-môn Verañja bằng bài Pháp thoại rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Sau đó, Đức Thế Tôn sau khi đã ngự tại Verañja theo như ý thích đã ra đi du hành về phía Soreyya, Saṅkassa, Kaṇṇakujja, rồi từ nơi ấy đã đi đến Payāgapatiṭṭhāna. Sau khi đến, Ngài đã vượt qua sông Gaṅgā tại Payāgapatiṭṭhāna rồi đi đến Bārāṇasī. Sau đó, Đức Thế Tôn sau khi đã ngự tại Bārāṇasī theo như ý thích đã ra đi du hành về phía Vesālī. Trong khi tuần tự du hành, Ngài đã ngự đến Vesālī. Tại nơi ấy, tại Vesālī, Đức Thế Tôn ngự tại Mahāvana, trong giảng đường Kūṭāgāra.

Dứt tụng phẩm Verañja.

__________________________________________________________

Tóm Tắt Chương Verañja Trong Tạng Luật

Bối cảnh

Đức Phật đang ngự tại Verañja cùng với 500 vị tỳ khưu. Bà-la-môn Verañja nghe danh tiếng của Đức Phật nên đến gặp và đặt ra một số câu hỏi.

Cuộc đối thoại giữa Đức Phật và Bà-la-môn Verañja

  1. “Đức Phật không tôn kính các bậc trưởng lão Bà-la-môn”
    • Đức Phật giải thích: Ngài không thấy ai trong thế gian xứng đáng để Ngài đảnh lễ.
  2. “Đức Phật vô vị giác”
    • Đức Phật xác nhận: Ngài đã đoạn trừ mọi tham đắm đối với các vị giác.
  3. “Đức Phật không hưởng thụ”
    • Đức Phật xác nhận: Ngài đã đoạn trừ mọi sự hưởng thụ đối với các dục lạc.
  4. “Đức Phật chủ trương không hành động”
    • Đức Phật giải thích: Ngài chủ trương không làm các điều ác.
  5. “Đức Phật chủ trương đoạn diệt”
    • Đức Phật xác nhận: Ngài chủ trương đoạn diệt tham sân si.
  6. “Đức Phật ghê tởm”
    • Đức Phật xác nhận: Ngài ghê tởm các điều ác.
  7. “Đức Phật chủ trương hủy hoại”
    • Đức Phật giải thích: Ngài thuyết pháp để hủy hoại tham sân si.
  8. “Đức Phật là người khổ hạnh”
    • Đức Phật xác nhận: Ngài đã đoạn trừ mọi điều ác.
  9. “Đức Phật không thể tái sinh”
    • Đức Phật xác nhận: Ngài đã đoạn trừ mọi nhân duyên tái sinh.

Đối với mỗi cáo buộc, Đức Phật đều khéo léo giải thích ý nghĩa đúng đắn, chuyển hóa từ cái nhìn tiêu cực sang tích cực. Ngài chỉ ra rằng Ngài đã đoạn trừ tham ái, không còn chấp thủ, từ bỏ các hành động bất thiện và các phiền não.

Sự chứng ngộ của Đức Phật

Đức Phật ví mình như con gà đầu tiên phá vỡ vỏ trứng vô minh, chứng ngộ Chánh Đẳng Giác. Ngài mô tả quá trình tu tập và chứng đắc 3 minh:

  1. Túc mạng minh: nhớ lại nhiều kiếp quá khứ
  2. Thiên nhãn minh: thấy sự sống chết của chúng sinh
  3. Lậu tận minh: đoạn trừ các lậu hoặc, chứng ngộ Tứ Diệu Đế
  4. Nạn đói tại Verañja

Verañja bị nạn đói, các tỳ khưu phải ăn cỏ lúa từ chuồng ngựa. Đại đức Moggallāna đề nghị dùng thần thông để giải quyết nhưng bị Đức Phật từ chối.

Lý do Chánh pháp tồn tại lâu dài

Đại đức Sāriputta hỏi về lý do Chánh pháp của một số vị Phật quá khứ tồn tại lâu hay không. Đức Phật giải thích:

  • Chánh pháp tồn tại lâu khi:
    • Thuyết giảng chi tiết
    • Có nhiều kinh điển
    • Quy định giới luật
    • Tuyên đọc giới bổn
  • Chánh pháp không tồn tại lâu khi thiếu các yếu tố trên

Thời điểm ban hành giới luật

Đức Phật chỉ ra rằng Ngài sẽ ban hành giới luật khi:

  1. Tăng đoàn đạt được sự lớn mạnh về thời gian
  2. Số lượng tăng nhiều
  3. Danh tiếng lan rộng
  4. Học vấn uyên thâm
  5. Xuất hiện các pháp đưa đến lậu hoặc

Kết thúc mùa an cư

Đức Phật từ biệt Bà-la-môn Verañja sau 3 tháng an cư. Verañja cúng dường thức ăn và y phục. Sau đó Đức Phật lên đường đi Vesālī.

Qua đoạn kinh này, chúng ta thấy được trí tuệ siêu việt và lòng từ bi của Đức Phật. Ngài khéo léo hóa giải các cáo buộc, giảng dạy Chánh pháp và thiết lập nền tảng vững chắc cho Tăng đoàn. Đây là những bài học quý giá về cách ứng xử và truyền bá giáo pháp một cách trí tuệ và hiệu quả.

 


Khám phá thêm từ DhammaViet.net

Đăng ký để nhận các bài đăng mới nhất được gửi đến email của bạn.